Một trợ lý ảo biết bạn thích ăn món gì, thích nghe nhạc gì, có bạn thân là ai… sẽ là một trợ lý ảo “người” nhất có thể. Và đó cũng sẽ là trợ lý ảo đe dọa nhiều nhất đến tương lai của loài người.
Rất nhiều nguồn tin đang khẳng định rằng Facebook sẽ ra mắt một mẫu loa thông minh có màn hình giống như Echo Show của Amazon. Trong khi đại diện của Facebook đã từ chối xác nhận/phủ nhận thông tin này, một bước đi như vậy sẽ tỏ ra hoàn toàn hợp lý với một công ty sống bằng dữ liệu riêng tư của người dùng như Facebook.
Được Amazon khởi xướng từ năm 2014, loa thông minh là loại sản phẩm tiên phong phổ cập trí thông minh nhân tạo và giao diện giọng nói tới con người. Trong môi trường riêng tư (và kết nối ổn định) của căn nhà, Amazon Echo và trợ lý ảo Alexa đã thực sự xóa đi hình ảnh bất tiện và kỳ cục vốn gắn liền với Siri trong nhiều năm trước đó. Sau thành công bất ngờ của Echo, cả Google, Microsoft và Apple đều đã rục rịch chế tạo chiếc loa thông minh của riêng mình.
Đi trước, nhưng không thấu hiểu
Nhưng tất cả các tên tuổi này có lẽ đều khó có thể tạo ra một chiếc loa thông minh hoàn hảo, hay nói chính xác hơn là khó có thể tạo ra một trợ lý ảo tuyệt vời như Facebook. Chìa khóa để tạo ra một trợ lý ảo hoàn hảo là càng nhiều thông tin cá nhân càng tốt. Hãy nghỉ thử mà xem, một vị quản gia như Alfred Pennyworth sẽ biết rõ Bruce Wayne thích ăn gì, quan tâm đến chủ đề gì, thích đi đâu, quen thân với ai…
Tất cả các tên tuổi của thị trường loa thông minh hiện tại đều khó có thể thu thập được các thông tin này từ phía người dùng. Apple và Microsoft không mạnh trên nền tảng web, cũng không sống bằng quảng cáo. Cả 2 ông lớn luôn tìm cách trấn an người dùng rằng những thông tin mà Cortana hay Siri thu thập sẽ hoàn toàn được giữ kín ở mức độ cá nhân nhằm tạo ra trải nghiệm hệ điều hành tốt nhất.
Còn Amazon về bản chất vẫn là anh bán hàng online. Trong các thông tin cá nhân của bạn, Amazon chỉ cần biết các thông tin có thể dẫn tới một quyết định mua hàng trên Amazon.com. Google sống bằng quảng cáo, có dịch vụ bản đồ, có trang chia sẻ video số 1 thế giới nhưng lại không có mạng xã hội và cũng chẳng có app nhắn tin phổ biến nào cả.
Non trẻ, nhưng nắm 2 tỷ người dùng
Mỗi gã lớn này chỉ nắm một phần thông tin về con người bạn. Đúng là họ có giữ thông tin về bạn, nhưng khả năng thu thập thông tin của họ vẫn còn kém xa một thế lực non trẻ của thế giới hi-tech.
Thế lực mà chúng tôi nhắc đến là Facebook. Khi hoàn thiện ý tưởng “mạng xã hội” vào nửa sau thập niên 2000, Facebook đã thay đổi hẳn cách nhìn của loài người về công nghệ: hóa ra là loài người không cần quyền riêng tư! Họ sẵn sàng đưa tên thật, ảnh thật, công việc thật lên mạng, khoe khoang cả con cái lẫn “chuyện đời tao” tới cả những người xa lạ lẫn những người quen 1 năm có khi chẳng nói chuyện một lần.
Nói cách khác, Facebook là thế lực công nghệ đầu tiên thuyết phục người dùng chủ động cung cấp thông tin cá nhân của mình. Nhắc đến Facebook là nhắc đến những thông tin gần gũi nhất với cuộc sống thường ngày, được người dùng thoải mái cung cấp miễn phí để đổi lấy “hư vinh” của Like và Share. Rất nhiều bài đăng có cảm xúc để Facebook có thể biết bạn thích hay ghét một món ăn nào đó, đang bức xúc với mẹ chồng hay đồng nghiệp. Từ các lượt Like page của bạn, Facebook biết bạn quan tâm đến những lĩnh vực nào. Những bức ảnh check-in của bạn sẽ hé lộ cho Facebook thói quen đi lại và mua sắm của bạn.
Thậm chí, Facebook còn là một trong những thế lực ảnh hưởng đến suy nghĩ của con người. Nếu Facebook có thể góp phần quyết định lá phiếu bầu của bạn, vậy tại sao lại không thể quyết định bạn ăn ở đâu, đi chơi với ai?
Từ bạn xã hội đến trợ lý ảo
Tất cả các thông tin này sẽ góp phần tạo ra một trợ lý ảo tuyệt vời nhất có thể. “Này M, hãy gợi ý cho tôi ăn món gì tối nay”? “Lâu rồi bạn không ăn steak, tôi thấy có quán này ở gần nhà Gấu, rủ cô ấy nhé?”. “Này M, ngày mai tôi nên mặc gì?” “Uhm, có lẽ là chiếc áo màu vàng bạn vẫn hay mặc vào ngày thứ sáu? Hay bạn có muốn thay đổi chút không, Hot Topic đang có sale 20%”.
Nghe giống như kịch bản trong mơ của những người làm quảng cáo, chỉ từ những thông tin có đầy rẫy trên Facebook, Instagram và tương lai gần là Messenger.
Dĩ nhiên, kịch bản trong mơ sẽ mất ít nhất là vài tháng nữa mới trở thành hiện thực. Facebook chưa từng có bất cứ thành công nào đáng kể trên phần cứng và bởi vậy chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian nghiên cứu nếu không muốn gặp phải một vài scandal đáng xấu hổ. Ngay cả công nghệ trợ lý ảo của hãng này cũng chưa hoàn thiện: M mới chỉ được thử nghiệm tại vài quốc gia; các tác vụ của M hiện tại vẫn là sự kết hợp của tự động hóa và thủ công do con người.
Tuy vậy, xét tới tiềm lực khổng lồ của Facebook, những trở ngại này sẽ chỉ là chuyện nhỏ. Câu hỏi đáng đặt ra nhất vào lúc này là khi một chiếc “Facebook M Speaker” xuất hiện và cuộc sống ảo sẽ đi vào đời thực qua giao diện giọng nói, con người liệu có còn cần sống cuộc sống thực với nhau? Mở thêm một loại giao diện tự nhiên như giọng nói vào mạng xã hội là mở rộng mối lệ thuộc giữa con người và máy móc. Nếu một ngày những kẻ khủng bố bằng cách nào đó thu thập được khối thông tin này từ Facebook, và đáng sợ hơn, nếu một ngày AI trở thành Skynet, con người sẽ phải đối mặt với hiểm họa gì?
Không ai biết câu trả lời, nhưng có vẻ như Facebook chắc chắn vẫn sẽ tìm cách để AI thâm nhập thật sâu vào cuộc sống của chúng ta. Trong một cuộc tranh cãi qua lại, Mark Zuckerberg đã từng gọi những cảnh báo của Elon Musk về AI là “đánh trống báo hiệu tận thế”, là “thiếu trách nhiệm”. Cũng chẳng có gì bất ngờ cả: ngay bây giờ, AI sẽ là công cụ tuyệt diệu nhất để Facebook biến thành kẻ thống trị “ảo” của chúng ta.
No comments:
Post a Comment