Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an) cho rằng dư luận xã cần lên án, phê phán hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác và ủng hộ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường.
Nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an) Trần Sơn
- Từng có thời gian rất dài thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện luật giao thông đường bộ ở Cục Cảnh sát giao thông, ông nhìn nhận thế nào về sự việc một chiến sĩ CSGT Hà Nội “tung chân” với người đi xe máy ngược chiều đang tạo ra hai luồng ủng hộ và phản đối trong dư luận?
- Theo điều tra bước đầu thì hai người này vi phạm 5 lỗi: Không đội mũ bảo hiểm, không giấy phép lái xe, không đăng ký xe, đi ngược chiều và không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát. Trong đó hành vi điều khiển xe đi ngược chiều như vậy cực kỳ nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác trên đường. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ dẫn đến nguy hiểm cho những người đi đúng phần đường của mình. Đường Hà Nội đông như thế mà họ còn lái xe lao vun vút như trong clip thế thì cực kỳ nguy hiểm.
Dư luận xã hội cần phải lên án hành vi vi phạm giao thông như vậy. Trong khi rất nhiều người gương mẫu chấp hành an toàn giao thông thì lại có một số người bất chấp kỷ cương pháp luật, ngang nhiên vi phạm đến mức liều lĩnh, trắng trợn như vậy thì cần phải lên án hành vi đó chứ.
- Theo hướng dẫn, tập huấn về nghiệp vụ của Bộ Công an thì chiến sĩ CSGT thực hiện nhiệm vụ trên đường xử lý như vậy có đúng nguyên tắc hay không, thưa ông ?
- Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng như nghị định về xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ thì những hành vi vi phạm đều phải được phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, để ngăn chặn, phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tính mạng và sức khỏe của người khác thì càng cần phải ngăn chặn, nghiêm trị ngay. Nguyên tắc chung là như vậy.
Chúng ta cứ xem lại clip sẽ thấy hành vi của hai người lái xe máy đó là cực kỳ nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên đường. Cơ quan chức năng đang làm nhiệm vụ ở đấy thì đương nhiên phải có biện pháp ngăn chặn để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc ảnh hưởng tới người dân khác.
Hành động "tung chân" với hai người điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng ngược chiều đang tạo ra hai luồng ý kiến trên cộng đồng mạng (Ảnh cắt từ clip)
- Như vậy theo ông cần phải có cái nhìn khách quan về sự việc này, không chỉ nhăm nhăm phê phán, lên án hành động “vung chân” của chiến sĩ CSGT?
- Khi đã có nhiều hành vi vi phạm như vậy thì bao giờ họ cũng muốn trốn tránh việc giám sát, kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng, bất chấp nguy hiểm của người khác.
Khi thấy bóng dáng của lực lượng chức năng thì họ đã phóng xe lạng lách, tìm mọi cách để thoát thân, bất chấp nguy hiểm của người dân đang đi trên đường. Nhiệm vụ của CSGT có thể phải phân tích thêm, bởi thực tế đã có nhiều trường hợp nếu không có cách xử lý phù hợp thì chính chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ trên đường lại bị người vi phạm đâm vào, gây thương tích. Nhưng có thể thấy ở trường hợp này là khi chạy với tốc độ nhanh như vậy, lại đi ngược nhiều thì tâm lý của hai người điều khiển xe máy đó đã không còn vững nữa, sơ sẩy ngã rất có thể xảy ra.
Một lần nữa tôi cho rằng dư luận cần lên án, phê phán hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, coi thường tính mạng sức khỏe của người khác và ủng hộ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên đường. Như thế tất cả chúng ta mới an toàn mỗi khi điều xe trên đường.
- Xin cảm ơn ông !
Thế Kha
No comments:
Post a Comment